Trang chủ » Bệnh đái tháo đường: nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng và cách phòng ngừa hiệu quả
Trang chủ » Bệnh đái tháo đường: nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh đái tháo đường: nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng và cách phòng ngừa hiệu quả

Trong những năm gần đây, số ca mắc đái tháo đường đang ngày càng gia tăng với tốc độ đáng báo động, kéo theo nhiều biến chứng nghiêm trọng như tim mạch, thận, mắt, thần kinh… gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng. Trong vòng 10 năm, số ca bệnh đã tăng gấp đôi. Năm 2017, cả nước có khoảng 3,54 triệu người mắc bệnh tiểu đường (chiếm khoảng 5,5% dân số), cùng với 4,79 triệu người bị tiền tiểu đường (chiếm khoảng 7,4% dân số). Nói cách khác, cứ 7,5 người trưởng thành thì có 1 người mắc tiểu đường hoặc tiền tiểu đường.

BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG LÀ GÌ?

Đái tháo đường, hay còn gọi là tiểu đường, là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng đường huyết luôn ở mức cao hơn bình thường. Nguyên nhân là do cơ thể thiếu hụt insulin, kháng insulin hoặc kết hợp cả hai yếu tố, dẫn đến rối loạn chuyển hóa quan trọng của đường, đạm, mỡ và các chất khoáng. Khi mắc bệnh, cơ thể không thể chuyển hóa hiệu quả các chất bột đường từ thực phẩm thành năng lượng, khiến lượng đường trong máu tích tụ ngày càng nhiều.

CÁC LOẠI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THƯỜNG GẶP

Bệnh đái tháo đường được chia thành hai thể chính: tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2.

1. Tiểu đường tuýp 1:

Là thể bệnh do tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy, dẫn đến tình trạng thiếu hụt hoặc không tiết insulin. Khi đó, cơ thể không thể điều hòa được lượng đường trong máu, gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Tiểu đường tuýp 1 chiếm khoảng 5–10% tổng số trường hợp mắc bệnh, thường xảy ra ở trẻ em và người trẻ tuổi, đặc biệt dưới 20 tuổi. Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện đột ngột và tiến triển nhanh, giúp dễ dàng phát hiện hơn so với các thể bệnh khác.

2. Tiểu đường tuýp 2:

Đây là thể bệnh phổ biến nhất, chiếm đến 90–95% tổng số người mắc đái tháo đường. Trước đây, bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, nhưng hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa. Ở thể này, mặc dù tuyến tụy vẫn sản xuất đủ insulin, nhưng cơ thể lại kháng với insulin hoặc insulin không hoạt động hiệu quả, khiến đường huyết tăng cao. Bệnh diễn tiến âm thầm, ít triệu chứng rõ ràng, dẫn đến khó phát hiện và thường được chẩn đoán muộn, khi đã xuất hiện biến chứng.

3. Tiểu đường thai kỳ:

Là thể bệnh chỉ xảy ra trong thời kỳ mang thai do nhau thai tiết ra các hormon làm tăng đề kháng insulin. Nếu tuyến tụy không sản xuất đủ insulin để bù đắp, lượng đường trong máu sẽ tăng cao, gây ra tiểu đường thai kỳ. Dù bệnh thường sẽ hết sau khi sinh, nhưng trong quá trình mang thai cần được theo dõi và điều trị nghiêm ngặt để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

4. Tiền tiểu đường:

Tiền tiểu đường là giai đoạn trung gian giữa người bình thường và người mắc tiểu đường tuýp 2, đặc trưng bởi chỉ số đường huyết cao hơn bình thường nhưng chưa đủ để chẩn đoán là tiểu đường. Khoảng 5–10% người tiền tiểu đường sẽ chuyển sang tiểu đường mỗi năm, và tổng cộng đến 70% có thể tiến triển thành tiểu đường nếu không được điều trị kịp thời.

Tiền tiểu đường có thể do nhiều yếu tố như gen di truyền, kháng insulin, tăng nhu cầu tiết insulin, rối loạn incretin, tích lũy amylin, hay giảm khối lượng và chức năng tế bào beta tuyến tụy. Quá trình rối loạn chuyển hóa này thường bắt đầu từ rất sớm – thậm chí trước khi chẩn đoán tiểu đường khoảng 13 năm.

DẤU HIỆU CỦA BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Các dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường thường thay đổi tùy theo từng tuýp bệnh, đôi khi rất nhẹ hoặc không rõ ràng, khiến người bệnh khó phát hiện cho đến khi xuất hiện biến chứng nghiêm trọng mới đi khám và được chẩn đoán.

1. Triệu chứng của tiểu đường tuýp 1:

Bệnh thường khởi phát đột ngột, tiến triển nhanh trong vài ngày hoặc vài tuần, với các biểu hiện điển hình như:

Cảm giác đói và mệt mỏi: Do cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc kháng insulin, glucose không thể đi vào tế bào để tạo năng lượng, khiến người bệnh luôn cảm thấy đói và mệt.

Khát nước và đi tiểu nhiều: Khi lượng glucose trong máu quá cao, thận không thể tái hấp thu hết, dẫn đến đào thải glucose qua nước tiểu. Việc đi tiểu nhiều khiến cơ thể mất nước, gây cảm giác khát và khô miệng.

Khô miệng, ngứa da: Do tình trạng mất nước, da trở nên khô và dễ gây ngứa.

Sụt cân không rõ nguyên nhân: Dù ăn uống đầy đủ, người bệnh vẫn có thể sụt cân nhanh chóng do cơ thể mất nước, phân hủy mô mỡ và mô cơ để tạo năng lượng thay thế.

2. Triệu chứng của tiểu đường tuýp 2:

Diễn tiến âm thầm, kéo dài nhiều năm nên người bệnh thường không nhận biết sớm. Bệnh có thể chỉ được phát hiện tình cờ qua xét nghiệm máu hoặc khi đã xuất hiện biến chứng. Một số dấu hiệu đáng lưu ý gồm:

Nhiễm trùng nấm men tái phát: Do nấm men phát triển mạnh khi có nhiều glucose trong cơ thể, thường xảy ra ở các vùng da ẩm ướt như kẽ ngón tay, ngón chân, dưới ngực hoặc vùng sinh dục.

Vết thương lâu lành: Đường huyết cao làm giảm lưu thông máu, tổn thương thần kinh, khiến các vết thương chậm lành. Một số người có thể thấy đau hoặc tê bì ở chân, dấu hiệu của biến chứng thần kinh ngoại biên.

3. Triệu chứng của tiểu đường thai kỳ:

Thường không có dấu hiệu rõ ràng. Một số sản phụ có thể thấy khát nước nhiều hơn, đi tiểu thường xuyên hơn. Tiểu đường thai kỳ thường được phát hiện thông qua nghiệm pháp dung nạp glucose từ tuần 24–28 của thai kỳ, ở những người chưa từng được chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2 trước đó.

NGUYÊN NHÂN GÂY NÊN BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Glucose là nguồn năng lượng quan trọng cho cơ thể, được hấp thu từ thực phẩm hằng ngày và dự trữ dưới dạng glycogen trong gan. Khi cơ thể thiếu năng lượng do biếng ăn hoặc nhịn đói, gan sẽ phân giải glycogen thành glucose để đưa vào máu, đảm bảo cung cấp năng lượng cho các mô và tế bào.

Tuy nhiên, để glucose có thể đi vào tế bào và phát huy tác dụng, cơ thể cần đến insulin – một hormone do tuyến tụy sản xuất. Insulin giúp tế bào hấp thu glucose từ máu. Khi quá trình này gặp trục trặc – do thiếu insulin hoặc tế bào kháng lại insulin – glucose không thể được đưa vào tế bào mà tích tụ lại trong máu. Sự mất cân bằng này kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng tăng đường huyết và hình thành bệnh tiểu đường.

1. Nguyên nhân gây ra tiểu đường tuýp 1:

Tiểu đường tuýp 1 xảy ra khi tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy, khiến cơ thể không còn sản xuất insulin hoặc chỉ sản xuất rất ít. Khoảng 95% trường hợp là do cơ chế tự miễn (tuýp 1A), trong đó hệ miễn dịch nhầm lẫn và tấn công chính các tế bào sản xuất insulin. Còn lại khoảng 5% không rõ nguyên nhân (tuýp 1B).

Một số yếu tố nguy cơ có thể góp phần gây bệnh gồm: tiền sử gia đình có người mắc bệnh, phơi nhiễm với một số virus hoặc các yếu tố môi trường, tuy nhiên nguyên nhân chính xác vẫn đang được nghiên cứu.

2. Nguyên nhân gây ra tiểu đường tuýp 2:

Tiểu đường tuýp 2 hình thành khi cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả (kháng insulin) hoặc không sản xuất đủ insulin. Bệnh thường liên quan đến yếu tố di truyền và lối sống, đặc biệt là tình trạng thừa cân, béo phì.

Các yếu tố nguy cơ gồm:

  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tiểu đường.
  • Đã từng bị tiểu đường thai kỳ.
  • Tăng huyết áp, bệnh tim mạch.
  • Ít vận động thể lực.
  • Thừa cân, béo phì.
  • Rối loạn dung nạp glucose hoặc đường huyết lúc đói.
  • Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang.

3. Nguyên nhân gây ra tiểu đường thai kỳ:

Trong thai kỳ, nhau thai tiết ra các hormone làm tăng đề kháng insulin. Thông thường, tuyến tụy của mẹ sẽ bù đắp bằng cách sản xuất thêm insulin. Tuy nhiên, nếu tụy không sản xuất đủ, lượng glucose không thể đi vào tế bào mà tích tụ trong máu, dẫn đến tiểu đường thai kỳ.

Phụ nữ có nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ nếu có các yếu tố sau:

  • Thừa cân, béo phì trước khi mang thai.
  • Tiền sử gia đình có người mắc tiểu đường.
  • Đã từng bị rối loạn dung nạp glucose.

BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM CỦA ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Bệnh tiểu đường nếu không được kiểm soát tốt có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng trên nhiều cơ quan trong cơ thể:

  • Hệ mạch máu: Tình trạng tăng đường huyết kéo dài làm tổn thương cả mạch máu lớn và nhỏ. Tổn thương mạch máu lớn có thể dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, hẹp động mạch chi và thậm chí tắc mạch gây hoại tử chi. Trong khi đó, tổn thương mạch máu nhỏ gây ảnh hưởng đến chức năng thận, mắt và thần kinh, dẫn đến suy thận mạn (phải lọc thận hoặc ghép thận), mù lòa, dị cảm hoặc tê bì chi dưới.
  • Hệ hô hấp: Bệnh nhân dễ bị viêm phổi, viêm phế quản do nhiễm khuẩn cơ hội.
  • Hệ tiêu hóa: Tiểu đường có thể gây viêm quanh nướu, rối loạn chức năng gan, viêm loét dạ dày và tiêu chảy.
  • Da: Người bệnh thường gặp tình trạng ngứa da, nổi mụn nhọt, lòng bàn tay và bàn chân ánh vàng, xuất hiện các u vàng ngứa ở gan bàn tay, bàn chân, mông, kèm theo viêm mủ da.
  • Hệ thần kinh: Người mắc tiểu đường tuýp 2 có nguy cơ cao phát triển bệnh Alzheimer – một bệnh lý thoái hóa thần kinh nguy hiểm.
  • Đối với phụ nữ mang thai mắc tiểu đường thai kỳ, cũng có thể gặp nhiều biến chứng:
  • Về phía mẹ: Nguy cơ cao bị tiền sản giật với các biểu hiện như tăng huyết áp, protein niệu, phù chân. Ngoài ra, sản phụ cũng có nguy cơ tái phát tiểu đường trong lần mang thai sau và tiến triển thành tiểu đường tuýp 2 trong tương lai.
  • Về phía thai nhi: Thai nhi có xu hướng phát triển lớn hơn so với tuổi thai, làm tăng nguy cơ sinh khó và các vấn đề hô hấp sau sinh. Nguy hiểm hơn, nếu không kiểm soát tốt, thai nhi có thể tử vong trong bụng mẹ hoặc sau khi sinh.

PHÒNG NGỪA BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Mặc dù đái tháo đường tuýp 1 hiện nay chưa thể phòng ngừa, nhưng người bệnh hoàn toàn có thể giảm nguy cơ bệnh tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2 bằng cách duy trì chế độ ăn uống khoa học kết hợp với tập luyện thể chất đều đặn.

1. Chế độ ăn uống hợp lý

Chế độ ăn đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết và duy trì sức khỏe lâu dài cho người bệnh. Nguyên tắc dinh dưỡng cơ bản là đảm bảo đủ năng lượng, không làm tăng đường huyết quá mức sau ăn và không để hạ đường huyết quá xa bữa ăn.

Người bệnh nên ưu tiên các thực phẩm giàu chất xơ, ít đường và chất béo như rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đạm lành mạnh. Bữa ăn cần được thiết kế đơn giản, phù hợp với điều kiện kinh tế và thói quen địa phương. Việc cân bằng tỷ lệ carbohydrate, protein và chất béo hợp lý sẽ giúp ổn định đường huyết hiệu quả. Đặc biệt, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn phù hợp với thể trạng và tình trạng bệnh lý cụ thể.

2. Tăng cường vận động thể chất

Hoạt động thể lực không chỉ giúp giảm đường huyết, duy trì cân nặng mà còn góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch – một biến chứng thường gặp của bệnh đái tháo đường. Bệnh nhân nên duy trì thói quen tập thể dục ít nhất 5 ngày mỗi tuần, mỗi lần khoảng 30 phút. Tùy theo thể trạng, người bệnh có thể chọn lựa các hình thức vận động nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, đạp xe, bơi lội… và nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn bài tập phù hợp.

Gọi điện thoại
0939.86.3535